Siêu tàu container lớn nhất thế giới OOCL Spain cập Cảng quốc tế Gemalink.

Nhiều doanh nghiệp dốc sức đầu tư, nâng cấp hạ tầng cảng biển trước việc ngày càng có nhiều tàu lớn ra vào cảng biển Việt Nam.

Liên tiếp đón tàu vượt trọng tải thiết kế

Siêu tàu container lớn nhất thế giới OOCL Spain cập Cảng quốc tế Gemalink.
Siêu tàu container lớn nhất thế giới OOCL Spain cập Cảng quốc tế Gemalink.

Những ngày này, công trường thi công các dự án nạo vét, nâng cấp luồng hàng hải nhộn nhịp ngày đêm, từ dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn (Thanh Hóa), nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải, hay dự án luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu…

“Các dự án được xúc tiến tích cực để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác đón được những tàu trọng tải lớn ra vào cảng an toàn”, lãnh đạo Cục Hàng hải VN thông tin.

Thống kê của Cục Hàng hải VN, những năm trở lại đây, đội tàu chở hàng thế giới có xu hướng ngày càng tăng về kích cỡ, nhất là các tàu container với thế hệ cỡ 23.000 – 24.000 Teus ra đời.

Đội tàu biển Việt Nam cũng có xu hướng giảm về số lượng nhưng tăng về tổng dung tích và trọng tải. Năm 2022, tổng dung tích và trọng tải của đội tàu vận tải biển Việt Nam tăng trưởng trên 7%.

Thời gian qua, nhiều cảng biển của Việt Nam đã đón những chuyến tàu container lớn ra vào cảng an toàn. Trong đó, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đón được tàu có trọng tải lên tới hơn 214.000 DWT giảm tải. 

Cảng quốc tế Gemalink cũng tiếp nhận siêu tàu lên tới hơn 232.000 DWT, có sức chở lên tới 24.188 Teu. Tại miền Bắc, cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) tại Lạch Huyện cũng đón tàu container trọng tải lên tới hơn 144.000 DWT (giảm tải).

Bên cạnh những cảng nước sâu, thời gian qua nhiều cảng cũng đề nghị tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn so với trọng tải tàu thiết kế ban đầu như Cái Lân (Quảng Ninh), Nghi Sơn (Thanh Hoá), Chân Mây (Thừa Thiên – Huế), Sài Gòn, Bến Nghé (TP.HCM)…

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển (Portcoast) cho rằng, đây là thách thức với ngành hàng hải. 

Nếu hạ tầng (luồng hàng hải, vũng quay tàu, cảng bến…) không đáp ứng sẽ không thể tiếp nhận tàu. Khi đó, sẽ phải chấp nhận tàu vào các khu vực khác hoặc bến cảng ở quốc gia khác.

Theo một chuyên gia hàng hải, để đón được tàu lớn là tổng thể của nhiều giải pháp, không chỉ hạ tầng cảng biển. Điều này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Tuy nhiên hiện nay, tỷ suất đầu tư cho hàng hải còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Nâng cấp hạ tầng, đón tàu an toàn

Theo lãnh đạo Portcoast, việc tăng kích cỡ tàu nằm ngoài dự báo của các chuyên gia. Thời điểm những năm 2006, định hướng về trọng tải tàu thường cho tàu cỡ panamax (55.000-80.000 DWT) hoặc suezmax (khoảng 140.000 -200.000 DWT). Nhưng hiện thế giới đã phát triển những tàu lên đến hơn 240.000 DWT và sức chở lên tới 24.000 Teu.

“Các cảng hiện hữu muốn đón tàu lớn hơn thiết kế phải được đánh giá kỹ, xem xét năng lực cảng và hạ tầng để có phương án nâng cấp. Phương án bảo đảm an toàn hàng hải cũng phải được xây dựng cẩn trọng”, ông Tuấn nói.

Theo thông tin của Báo Giao thông, nhằm tăng năng lực khai thác và bắt kịp xu hướng, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện hữu và đầu tư chiều sâu các cảng biển.

Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Công ty CP Gemadept sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nhiều dự án cảng biển. Trong đó, dự án cảng nước sâu Gemalink (giai đoạn 2) với quy mô 39ha, công suất 1,5 triệu Teu/năm với cỡ tàu tiếp nhận 250.000 DWT. Dự kiến giai đoạn 2 sẽ hoàn thành vào năm 2027.

Dự án cảng Nam Đình Vũ (giai đoạn 3) cũng được triển khai để nâng công suất 600.000 Teu/năm (với hàng container) và 3 triệu tấn/năm (với hàng tổng hợp), cùng cỡ tàu tiếp nhận lên tới 48.000 DWT.

Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cũng có hàng loạt dự án như đầu tư dự án xây dựng bến 3, 4 cảng Lạch Huyện; đầu tư giai đoạn 2 Cảng VIMC Đình Vũ và phát triển hệ thống bến phao tại các khu neo.

Tại miền Trung, cảng Đà Nẵng được đầu tư chiều sâu, nâng cao khả năng khai thác cảng Tiên Sa. Cảng cũng đề xuất đầu tư 2 bến khởi động cảng Liên Chiểu.

VIMC cũng vừa hoàn thành nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn, đồng thời tiếp tục dự án mở rộng cảng đến năm 2030 và các hạ tầng cảng cạn (ICD), kho bãi kết nối.

Ở khu vực TP.HCM, VIMC dự kiến hoàn thành dự án Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước và nghiên cứu, đề xuất triển khai dự án cảng Sài Gòn – Hiệp Phước giai đoạn 2; huy động nguồn lực, hợp tác với hãng tàu MSC nghiên cứu đầu tư khu bến trung chuyển container quốc tế quy mô lớn tại Cần Giờ.

Giai đoạn đến năm 2030, VIMC nghiên cứu tham gia đầu tư phát triển cảng cho tàu trọng tải lớn tại khu vực Cái Mép Hạ, đầu tư bến tàu khách.

Theo ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông, Tổng công ty Hàng hải VN, các cảng được xây dựng mới sẽ tính toán theo quy hoạch để thiết kế hạ tầng hợp lý. Còn các cảng đã xây dựng lâu năm, để phù hợp với trọng tải của những cỡ tàu mà cảng được phê duyệt tiếp nhận cũng điều chỉnh về kỹ thuật, thiết bị cho phù hợp.

“Theo Cục Hàng hải VN, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng rõ các khu vực đón tàu lớn, để các cảng đầu tư mới tính toán kết cấu hạ tầng phù hợp.

Với các cảng hiện hữu, muốn đón tàu lớn hơn thiết kế phải thực hiện cải tạo, nâng cấp. Hiện nay, Bộ GTVT đã có văn bản hướng dẫn về yêu cầu, trình tự thủ tục liên quan đến các cầu, bến cảng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn thiết kế.”

  • Nguồn bài viết: https://www.baogiaothong.vn