Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô tiền thân là Xí nghiệp liên hợp Vận tải biển pha sông (VISERITRANS)

Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô tiền thân là Xí nghiệp liên hợp Vận tải biển pha sông (VISERITRANS) – là doanh nghiệp Nhà nước hạng 1 trực thuộc Bộ Giao thông – Vận tải, được thành lập và hoạt động trên cơ sở Nghị định số 274/HĐBT ngày 04/12/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (sau đó được Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải thành lập lại theo Quyết định số 1068/QĐ/TCCB-LĐ ngày 01/6/1993). Từ khi thành lập đến tháng 10/2003, VISERITRANS có trụ sở chính tại số 80B Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Theo Quyết định số 250/TTg ngày 29/4/1994 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 578/QĐ-HĐQT ngày 21/6/1996 của HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Xí nghiệp liên hợp Vận tải biển pha sông đã được chuyển thành doanh nghiệp hoạch toán độc lập thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và được tổ chức lại với nhiều chức năng, nhiệm vụ hoạt động mới, khác hẳn thời kỳ đầu thành lập.

Tháng 10/2003, theo tinh thần Quyết định số 778/QĐ-HĐQT, ngày 10/10/2003 của Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Xí nghiệp liên hợp Vận tải biển pha sông đã được đổi tên thành “Công ty Hàng hải Đông Đô” và chuyển trụ sở giao dịch về số 58 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Thực hiện Quyết định số 180/2005/QĐ-TTg ngày 18/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Điều chỉnh phương án sắp xếp, đổi mới công ty Nhà nước trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam năm 2005 – 2006”, sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển đổi doanh nghiệp, kể từ ngày 25/12/2006, Công ty đã chính thức hoạt động dưới hình thức “Công ty cổ phần” với tên gọi như hiện nay.

Sau gần 30 năm kể từ ngày thành lập, có thể chia quá trình hình thành và phát triển của Công ty theo các giai đoạn sau:

I. Giai đoạn đầu thành lập 1985 – 1988:

Để thực hiện nhiệm vụ chính trị – xã hội cấp bách được Chính phủ và Bộ GT-VT giao cho là: vận chuyển hàng hóa từ các cảng sông của đồng bằng Bắc bộ vào các cảng sông thuộc đồng bằng Nam bộ và vận chuyển lương thực ra miền Bắc theo chiều ngược lại, VISERITRANS đã được hưởng những ưu đãi đặc biệt có tính chất bao cấp như về vốn đầu tư, nguồn hàng, giá nhiên liệu, giá cước vận tải. Do đó, sau một thời gian ngắn, VISERITRANS đã có một đội tàu biển pha sông mạnh gồm 24 chiếc với tổng trọng tải gần 20.000 DWT (gồm các tàu từ 400 – 1.200 DWT/chiếc), có mớn nước và công suất máy phù hợp được đóng trong nước bằng nguồn vốn do Ngân sách nhà nước cấp. Ngoài ra, VISERITRANS còn được tiếp nhận một số cảng sông như: cảng Khuyến L­ương (Hà Nội), cảng Nam Định, Bến Bình Thuỷ (Cần Thơ) và nhiều cơ sở vật chất – kỹ thuật khác với trên 1.500 lao động… nhằm tạo ra một dây chuyền kinh doanh – khai thác đồng bộ, phù hợp với phương thức “vận tải biển pha sông” thời bấy giờ.

II. Giai đoạn 1989 – 1996:

Những năm đầu của giai đoạn này, VISERITRANS tiếp tục phát triển thuận lợi và bắt đầu nỗ lực để chuyển hướng đầu tư sang nhóm tàu biển chuyên dụng có trọng tải lớn hơn nhằm tiến tới hội nhập với ngành hàng hải trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước chuyển dịch từ mô hình kinh tế tập trung, bao cấp sang mô hình kinh tế thị trường, VISERITRANS cũng bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của mình:

– Do không còn được hưởng những ưu đãi như thời kỳ trước, đồng thời phải đối mặt trực tiếp với những thử thách mới trên thị trường vận tải, cũng như do một số sai lầm, chủ quan trong hoạt động đầu tư – phát triển, quản lý – điều hành… nên từ cuối năm 1993, VISERITRANS đã xuất hiện những dấu hiệu suy thoái đầu tiên. Một nguyên nhân quan trọng khác là đội tàu biển pha sông đóng trong nước ngày càng bộc lộ những nhược điểm lớn như: tiêu hao nhiên liệu cao, chất lượng kỹ thuật, trang thiết bị hàng hải, khả năng hoạt động trên biển kém; đặc biệt, đội tàu chủ yếu chỉ sử dụng dầu diesel (DO) có giá thành cao nên hiệu quả kinh doanh – khai thác rất thấp.

– Từ giữa năm 1994, VISERITRANS thực sự lâm vào tình trạng kinh doanh thua lỗ kéo dài, hoàn toàn mất khả năng tự cân đối về tài chính, chủ trương đầu tư – phát triển đội tàu vận tải biển chuyên dụng thất bại nặng nề (điển hình là vụ mua tàu Hy Vọng/ New Hope – 7.620 DWT), nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng. Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nợ quá hạn lớn, đẩy doanh nghiệp tới tình trạng thừa đủ điều kiện để tuyên bố phá sản.

– Tuy nhiên, việc Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển VISERITRANS thành doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công Hàng hải Việt Nam vào cuối năm 1996 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử phát triển của doanh nghiệp.

III. Giai đoạn 1997 – 1999:

Bằng những cố gắng của tập thể người lao động, sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của Lãnh đạo Tổng công Hàng hải Việt Nam thời kỳ đó, của các doanh nghiệp trong cùng Tổng công ty, của các bạn hàng truyền thống và một số cơ quan quản lý Nhà nước hữu quan, VISERITRANS đã hoàn thành thắng lợi “Kế hoạch 02 năm chống phá sản 1997- 1999”, tạm thời chặn đứng nguy cơ phá sản doanh nghiệp, đồng thời tạo ra được nhiều tiền đề cơ bản cho giai đoạn tiếp theo.

Từ cuối năm 1999 trở đi, VISERITRANS bắt đầu tiến hành đổi mới căn bản về cơ cấu tổ chức, nhân sự lãnh đạo chủ chốt và phương thức quản lý – điều hành, quản trị doanh nghiệp. Đặc biệt, Ban Lãnh đạo mới đã khởi xướng và vận động CBCNV trong toàn doanh nghiệp quyết tâm thực hiện quyết sách lớn “kiên quyết từ bỏ phương thức vận tải biển pha sông đã lạc hậu, từng bước vươn ra hoạt động trên các tuyến vận tải biển quốc tế ngắn là chủ yếu….”. Có thể coi đây là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự thắng lợi của công cuộc đổi mới doanh nghiệp lần thứ I (1997 – 2000).

IV. Giai đoạn 2000 – 2006:

Phát huy thắng lợi của 02 năm chống phá sản 1997 – 1999, với tôn chỉ “Nhất tâm vạn sự thành”, tập thể Lãnh đạo và CBCNV Công ty Hàng hải Đông Đô (DONG DO MARINE) đã tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước, chớp đúng thời cơ để tăng tốc đầu tư – phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời, triệt để khắc phục các yếu kém, tồn tại khác do lịch sử để lại, ưu tiên tập trung cải thiện chất lượng quản lý – điều hành doanh nghiệp, nguồn vốn, con người… phấn đấu trở thành “một doanh nghiệp hàng hải loại vừa – phát triển bền vững – có bản sắc riêng”.

Đến năm 2004, DONG DO MARINE đã nâng tổng trọng tải đội tàu vận tải biển lên tới 61.350 DWT bằng vốn vay thương mại và vốn đối ứng tự huy động. Từ năm 2005, để thực hiện chủ trương trẻ hoá đội tàu, phát triển thị trường sang khu vực ngoài Đông Nam Á, Bắc Á như: Nam Mỹ, Tây Phi…, Công ty đã ký hợp đồng đóng mới tàu chở hàng khô Đông Ba – 6.500 DWT, Đông Phú – 12.500 DWT, đầu tư tàu Đông Thọ (10.094 DWT), đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển nhóm tàu chở hàng khô cỡ handy size (đến dưới 40.000 DWT/chiếc) cho giai đoạn 2008-2010… nhằm thay thế, bổ sung cho đội tàu vận tải biển hiện có.

Cùng với chủ trương phát triển đội tàu vận tải biển, Công ty cũng rất chú trọng đến việc đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, đa dạng hoá ngành nghề sản xuất kinh doanh và tăng cường năng lực cạnh tranh thị trường cho các đơn vị trực thuộc như Chi nhánh Hải phòng, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh…

V. Giai đoạn 2007 – nay:

Chính thức hoạt động dưới hình thức “công ty cổ phần” từ 25/12/2006, bước đầu, DONG DO MARINE đã có những tiến bộ nhất định trong quản trị điều hành doanh nghiệp cũng như tổ chức sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Hai năm đầu sau cổ phần hóa, Công ty đã tổ chức, sắp xếp lại bộ máy theo mô hình mới, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ theo quy định của Điều lệ và nghị quyết của ĐHĐCĐ thường niên. Kết quả sản xuất kinh doanh các năm 2007 – 2008 đều đạt và vượt các chỉ tiêu và ĐHĐCĐ giao cho.

Tuy nhiên, cũng như các doanh nghiệp trong ngành khác, kể từ cuối năm 2008, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty đã bị ảnh hưởng rất lớn từ suy thoái kinh tế thế giới. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp như: cắt giảm tối đa chi phí, quản lý chặt chẽ tình trạng kỹ thuật đội tàu, tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh phụ trợ… nhưng trong bối cảnh thị trường vận tải biển suy giảm kỷ lục, suốt 03 năm vừa qua tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Với những thành tích đã đạt được suốt quá trình xây dựng và phát triển, Công ty đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng “Huân chương lao động hạng III”. Công ty và một số cá nhân có thành tích xuất sắc cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam… tặng thưởng nhiều bằng khen, cờ thi đua các loại. Trong số đó, “Cúp vàng ISO” do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng là ghi nhận xứng đáng cho việc Công ty đã áp dụng thành công các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển và lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.